Chữa “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân

Thứ Hai, 24/09/2012, 07:06:00
 Font Size:     |        Print
 

Bác Hồ ân cần thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong - Bình Xuyên - Vĩnh Phúc trong chuyến về thăm 12-2-1956. Ảnh: Tư liệu.
Chủ nghĩa cá nhân (CNCN) là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ đảng viên, làm tha hóa Đảng. CNCN đặc biệt nguy hiểm và khó chống vì nó là kẻ thù vô hình, lại nằm trong chính bản thân mỗi con người, là gốc của mọi bệnh, với những biến tướng phức tạp, đa dạng khôn lường. Đây là nguy cơ nguy hiểm tiềm tàng, làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân... Căn bệnh CNCN trong cán bộ đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ và “mổ xẻ” từ sớm.

 

Bác Hồ đã sớm nói về sự nguy hiểm của CNCN và chỉ rõ căn nguyên của nó: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.

Hiện nay, những căn bệnh do CNCN gây ra vẫn còn tồn tại, thậm chí ở ngay những cơ quan thi hành pháp luật, những cơ quan được giao trọng trách đấu tranh chống lại quốc nạn tham nhũng, buôn lậu và gian lận; những cơ quan được giao trọng trách duy trì sự nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương; tệ quan liêu, xa dân, lãng phí của công; nạn tham nhũng, bộ máy cồng kềnh mà hoạt động kém hiệu quả... có thể nhìn thấy ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cấp. Những vấn đề bức xúc, nổi cộm hiện nay thường lộ rõ ở những cơ quan hằng ngày có quan hệ trực tiếp với dân, với tiền, với hàng...

Xảy ra tình trạng này do nhiều nguyên nhân: Hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở để những kẻ đã nhiễm căn bệnh CNCN lợi dụng; việc thi hành luật chưa nghiêm minh; pháp luật chưa bảo đảm tác dụng giáo dục và răn đe... Những khuyết điểm, yếu kém trong bộ máy chậm được khắc phục càng tạo những kẽ hở, những mảnh đất tốt cho CNCN phát triển với nhiều hình dạng, trong đó nổi cộm nhất là tham nhũng - căn bệnh mà Đảng đã coi là quốc nạn.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy giữ ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” đặt ra trước các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như một yêu cầu bức xúc. Cũng tương đồng với mạch tư tưởng Hồ Chí Minh khi đề cập đến: Cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư, trong cuộc đấu tranh hôm nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất, được nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) là: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Yêu cầu của cuộc đấu tranh nóng bỏng này đòi hỏi Đảng lãnh đạo tập trung, kiên quyết và triệt để.

Tinh thần này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước cách nay đã hơn 40 năm: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu. Chúng ta đã thấy rõ kẻ thù, Đảng đã định ra chiến lược sách lược đúng đắn. Chúng ta phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong”... để giành lấy thắng lợi, “chúng ta phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ”.

Chống CNCN phải bao gồm cả hai mặt: Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự phòng, chống CNCN từ bản thân mình, tự rèn luyện để nâng cao sức đề kháng của bản thân chống lại sự xâm nhập và gây hại của “con vi trùng CNCN”. Mặt khác, cần xã hội hóa công việc chống CNCN bằng sự giám sát của nhân dân, bằng pháp luật, bằng thể chế để làm trong sạch môi trường xã hội, để xã hội phát triển lành mạnh.

Trước hết, bí quyết để phòng và chống CNCN ở ngay trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi người cần luôn cảnh giác đề phòng mọi biểu hiện của “căn bệnh” CNCN và chống nó bằng cách luôn phấn đấu, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng. Phương cách tốt nhất để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch CNCN đối với mỗi cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên, nghiêm túc, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên, với các tổ chức Đảng, Người cũng chỉ rõ: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Bác Hồ cũng sớm đưa ra cho chúng ta những phương cách chữa căn bệnh đó. Những luận điểm của Người về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đã được Đảng quán triệt trong nhiều văn kiện, gần đây nhất, đang được tích cực triển khai thực hiện là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, thoái hóa, biến chất... hôm nay cũng là cuộc đấu tranh chống CNCN, cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng” của chúng ta.

 

THIÊN PHƯƠNG
Theo: